Những phi vụ ‘khó đỡ’ của những chiếc drone

Ở nhiều nơi kể cả Việt Nam, sử dụng thiết bị bay điều khiển (drone) để chụp ảnh, quay phim từ trên cao là một thú vui công nghệ mới. Giới làm phim thì mê vì giờ đây họ có thể thỏa sức bay bổng sáng tạo với những cảnh quay từ trên trời với tính năng flycam. Nhưng drone là một thiết bị công nghệ cao nên bị hay được xài ra sao là tùy người dùng. Và đây là một số chuyện “khó đỡ” về những chú chim quậy.

Bị cấm đi săn

Hồi trung tuần tháng 4-2015, ông Rick Snyder, Thống đốc bang Michigan (Mỹ), đã ký luật chính thức cấm người đi săn dùng những thiết bị bay trên trời hay lội dưới nước không người lái để săn thú hay bắt cá. Luật cũng cấm mọi người dùng drone để quấy phá những người đi săn hay đi câu hợp pháp. Thống đốc bang giải thích rằng muông thú và cá là những tài nguyên thiên nhiên được Thượng đế ban tặng, việc săn thú và câu cá là thú vui, là trò chơi mà con người được thụ hưởng từ đó. Vì vậy thú và cá phải được con người tự tay săn bắt chứ không được dùng máy móc làm thay.

Theo luật mới của bang Michigan, hành vi dùng drone để quấy phá những người đi săn và đi câu hợp pháp bị coi như một tội nhẹ với mức phạt là ngồi tù tới 93 ngày và bị phạt 500-1.000 USD. Nếu tái phạm thì có thể phải ngồi tới một năm trong nhà tù.

Không chỉ có bang Michigan, những bang như Alaska, Montana, Colorado cũng đã cấm dùng drone để săn bắn.

Những chiếc camera có cánh sẽ đi kèm với thảm họa quay lén, kể cả ở những khu nhà cao tầng nhất. Ảnh: INTERNET

Drone có súng

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 21-7-2015 cho biết đang điều tra về một video clip được đưa lên mạng Internet cho thấy một chiếc drone tự làm đang bắn súng tại thị trấn Clinton thuộc vùng nông thôn ở bang Connecticut.

Video dài 14 giây có tên “Súng bay” (Flying Gun) này do thanh niên 18 tuổi Austin Haughwout quay. Nó được tung lên mạng YouTube ngày 10-7-2015 và gây sốt nóng với hơn 2,8 triệu lượt xem. Trong video, một chiếc drone nhiều chong chóng được trang bị một khẩu súng bán tự động đã được điều khiển để bắn bốn phát vào mục tiêu nào đó.

Ngày 24-7-2015, hãng tin AFP cho biết Austin đã bị cảnh sát bắt giữ và được cho tại ngoại với số tiền bảo lãnh 20.000 USD. Theo đó, chuyện drone bắn súng trở thành một nỗi lo sợ cho mọi người.

Tham gia cả dịch vụ phá thai

Một tổ chức về quyền phụ nữ quốc tế tên Women on Waves (WOW) hồi hạ tuần tháng 6-2015 đã sử dụng một chiếc drone để thực hiện một phi vụ đặc biệt: Thả thuốc phá thai cho những phụ nữ cần tới.

Ngày 27-6, từ TP Frankfurt an der Oder (Đức), chiếc drone nhỏ có cái tên ấn tượng là “Abortion Drone” (Drone phá thai) đã bay vượt qua biên giới tới thị trấn Slubice (Ba Lan) cách đó chừng 1,6 km để thả những hộp thuốc viên phá thai. Sau đó, họ thông báo chuyến bay đầu tiên đã thành công và các phụ nữ Ba Lan đã nhận được hàng.

Hành động gây sốc của WOW là để cổ vũ cho quyền sinh sản của phụ nữ Ba Lan mà hiện nay bị coi là “lạc hậu” so với những phụ nữ khác ở châu Âu. Họ không thể tiếp cận được các dịch vụ phá thai an toàn khi cần thiết. Thông cáo của tổ chức nữ quyền này nhấn mạnh: “Ở hầu hết nước châu Âu, phá thai là hợp pháp” nhưng ở Ba Lan, Ireland và Malta “phá thai là phạm pháp”.

Và trở thành nỗi ám ảnh toàn cầu

Ngày nay, drone có giá ngày càng rẻ. Việc tự chế tạo loại thiết bị bay này cũng trở nên dễ dàng hơn với công nghệ in 3D và các thành phần lắp ráp được rao bán đầy trên mạng kèm theo các hướng dẫn tận tay từ A đến Z.

Cảnh sát báo động về tình trạng drone ngày càng bị bọn tội phạm sử dụng để gây án, đặc biệt là trong chuyện rình mò, quan sát đối tượng và vận chuyển hàng lậu, nổi bật nhất là ma túy. Các hãng hàng không cũng lo ngại khi số vụ drone uy hiếp an toàn máy bay đang gia tăng.

Còn đối với mọi người, drone trở thành một nỗi ám ảnh công nghệ cao. Họ có thể bị quấy rầy, xâm phạm đời tư bất cứ lúc nào. Chỉ cần một chiếc drone bay ngoài cửa sổ nhà hay bay phía trên nhà dòm vào, ngó xuống là đủ sinh chuyện.

Chuyện lạm dụng drone không phải dạng vừa. Nó đòi hỏi nhà chức trách các nước phải liệu trước tình hình mà đưa ra những biện pháp luật pháp để ngăn chặn những hành vi sử dụng drone gây hại cho cộng đồng.

Kẻ phá rối biết bay

Mới đây ở miền nam California (Mỹ) xảy ra một vụ cháy, khi lực lượng chữa cháy đang sử dụng các máy bay trực thăng để chữa cháy thì theo ghi nhận có ít nhất năm chiếc drone đã xuất hiện để ghi hình. Sự có mặt của những chiếc drone đã khiến trực thăng không thể tiếp cận đám cháy. Hậu quả là công tác chữa cháy bị chậm hơn 20 phút so với dự kiến. Còn lửa thì đã kịp thiêu rụi năm ngôi nhà và 12 chiếc xe hơi.

TB

Đọc thêm