Ý nghĩa của thông số F trên camera di động

Khoảng vài năm trước, cuộc đua về camera trên smartphone đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thời điểm đó, các nhà sản xuất liên tục nâng cấp về độ phân giải (mà người Việt thường gọi đơn giản là “số chấm”), cho đến đỉnh điểm của việc này là khi Nokia tung ra chiếc Lumia 1020 với cảm biến của camera sau lên đến… 41MP, theo sau là chiếc Sony Xperia Z1 (mới nhất là Z4) với độ phân giải của camera cũng mấp mé 21MP. Tất nhiên ở thời điểm đó, quan niệm của mọi người về “số chấm” của camera vẫn còn là “chấm càng cao chụp càng đẹp”, điều đó là đúng, nhưng đó là đối với những cảm biến camera đời đầu trên smartphone thôi, lúc đó về cơ bản, số “chấm”càng cao độ chi tiết của bức ảnh càng nhiều, nên bức ảnh chụp ra sẽ có vẻ sáng hơn, rõ ràng hơn so với những camera có độ phân giải thấp.

Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, bây giờ là thời của các thông số khác (và chúng hầu hết đều quan trọng hơn số megapixel trên khá nhiều) như khẩu độ, tiêu cự và cũng không kém phần quan trọng, sự tối ưu đến từ phần mềm. Điều này có thể xem như sự thay đổi mạnh mẽ về quan niệm và suy nghĩ về camera sau của smartphone. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, thông số “F/1.9” thường được các nhà sản xuất smartphone tung hô, có ý nghĩa gì không?

Hãy cùng theo dõi bài viết để biết thêm về con số này, cũng như tầm quan trọng bật nhất của nó đối với một thiết bị chụp ảnh, chứ không chỉ camera sau trên smartphone.

Bức ảnh mô tả tổng quát về vai trò của con số “F” bí ẩn

F là gì?

Trước hết chúng ta phải biết rõ từ “F” thường được gọi là gì trong kỹ thuật nhiếp ảnh. F là viết tắt của khẩu độ (Aperture) ống kính máy ảnh. Thông số, hay kích cỡ của “lá khẩu” có hai ảnh hưởng lớn đến bức ảnh thành phẩm của bạn.

Tác dụng của khẩu độ lớn?

Thứ nhất, với khẩu độ càng lớn (hay phần mẫu số càng nhỏ, ví dụ F 1/1.9) thì lượng ánh sáng đi vào ống kính máy ảnh tại một thời điểm càng cao, ánh sáng vào càng nhiều thì ảnh càng sáng. Việc này cũng giống như bạn kéo tấm rèm trên cửa sổ vậy, càng kéo gọn lại, thì ánh sáng đi qua cửa sổ càng nhiều, nhà bạn càng sáng hơn.

F của camera càng lớn, chụp đêm càng sáng (Ảnh từ Lumia 730).

Công dụng thứ hai là độ mờ của của hậu cảnh, độ sâu của trường ảnh, hay nói cách khác, dân dã hơn là khả năng “xóa phông” của máy ảnh. Thông số F càng lớn thì bức ảnh của bạn xóa phông càng… mù mịt, chủ thể (hay nhân vật chính của bức ảnh) càng nổi bật hơn. Đối với máy ảnh cơ như DSLR, thông số F đi kèm với các ống kính rời (tất nhiên) thường có thể thay đổi ngay trong ống kính, còn đối với điện thoại di động, nhà sản xuất không thể gắn thêm một… ống kính rời đằng sau thân máy được, vì thế khi được sản xuất ra, chiếc smartphone chỉ có một khẩu độ duy nhất. Tóm lại, đối vơi một chiếc smartphone thì khẩu độ (F) càng lớn thì càng tốt, ở thời điểm hiện tại thì chiếc Lumia 720/730 là một trong những smartphone có F lớn nhất trên thị trường với F1/1.9, tất nhiên đây cũng là một trong những chiếc smartphone chụp ảnh thiếu sáng tốt nhất ở thời điểm hiện tại.

Bạn dễ dàng làm nổi chủ thể thông qua thông số F lớn. (Ảnh minh họa)

Ở trên là 2 tác dụng trực tiếp của khẩu độ, nhưng ngoài ra, chúng ta cũng có một số lợi ích gián tiếp đối với khẩu độ trên camera di động.

Lợi ích khác của việc sở hữu một smartphone có thông số F lớn:

Đầu tiên là tốc độ màn trập (hay tốc độ chụp ảnh) sẽ nhanh hơn nếu khẩu độ càng lớn. Nếu như vào ban ngày thì tốc độ chụp ảnh không quan trọng lắm, vì lượng ánh sáng lúc này rất nhiều, nên ảnh bạn chụp sẽ không thể nào bị nhòe được (trừ khi bạn cố ý lắc máy ảnh mà thôi). Nhưng vào ban đêm thì lại khác, lúc này khẩu độ lớn mới phát huy tác dụng. Nếu bạn chưa biết thì tốc độ chụp càng nhanh thì lượng ánh sáng đi vào cảm biến tại một thời điểm càng ít đi.Tức là với cùng một tốc độ chụp ảnh, thì lượng ánh sáng vào ban đêm chắc chắn sẽ ít hơn ban ngày, dẫn đến hiện tượng ảnh bị nhòe do phải giảm tốc độ chụp xuống (thường được thực hiện tự động bởi phần mềm camera của máy) để thu đủ ánh sáng vào bức ảnh. Như vậy, nếu bạn sở hữu một chiếc smartphone có khẩu độ lớn thay vì một chiếc smartphone khác chỉ có cảm biến nhiều pixel, thì chắc chắn ban đêm sẽ là thời khắc “tỏa sáng” của bạn.

Ý nghĩa của thông số F trên camera di động ảnh 4
Khẩu độ lớn giúp chụp ảnh đủ sáng mà vẫn không làm nhòe vật thể!

Còn một thứ nữa, mà các nhà sản xuất thường ít nhắc đến khi nói về camera trên smartphone (thật ra nó cũng không đóng vai trò lớn như những thứ đề cập ở trên), đó là ISO. Nói đơn giản, ISO chính là độ nhạy sáng của cảm biến máy ảnh. ISO thường nằm ở khoảng tử 100-3200, ISO càng cao thì camera càng nhạy sáng, bù lại noise (nhiễu hạt) trên bức ảnh càng nhiều. Thông số ISO thường bị ảnh hưởng bởi khẩu độ và tốc độ chụp. Vì vậy, trong môi trường tối và ít ánh sáng, phần mềm chụp ảnh trên smartphone sẽ tìm cách cân bằng giữa ISO và tốc độ chụp ảnh, sao cho bức ảnh của bạn sẽ ít bị nhiễu và không quá tối. Ngoài ra ISO rất quan trong trong việc chụp ảnh phơi sáng, hay chụp ảnh thể thao, vật thể chuyển động nhanh,… nhưng vì vấn đề này rất rộng lớn, nên chúng tôi sẽ sớm viết một bài phân tích khác dành cho các độc giả.

Nếu bạn để ISO cao thì sẽ không thể phơi sáng được…Nhưng với ISO thấp cùng màn trập chậm, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những bức ảnh như thế này bằng chính chiếc smartphone của mình (Ảnh từ Lumia 925).

Vậy là chúng ta đã có cái nhìn tổng quan và cơ bản nhất về thông số khẩu độ của máy ảnh nói chung và camera trên di động nói riêng. Nếu như có thể được lựa chọn, thì tôi vẫn ưu tiên chọn một chiếc smartphone cân bằng giữa khẩu độ và số “chấm”, để có thể đáp ứng mọi nhu cầu chụp ảnh trong sinh hoạt hàng ngày của mình.

Đọc thêm